Sự chững lại của phân khúc đất nền
Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, sự chững lại của thị trường BĐS Đà Nẵng trong thời gian gần đây là hoàn toàn phù hợp với quy luật, vì trong thời gian này người dân tập trung vào lo thi cử của con cái hoặc đi du lịch hè… nên ít quan tâm hơn.
Thị trường BĐS Đà Nẵng vẫn tăng trưởng ổn định bất chấp sự chững lại của phân khúc đất nền
|
Trên thực tế trong thời gian qua, các giao dịch của thị trường BĐS tại Đà Nẵng chủ yếu là những giao dịch đất nền do xu thế của người dân và cả các nhà đầu tư thứ cấp đều tiến hành gom đất để kiếm lời. Vì vậy, khi giá đất nền được đẩy lên ở mức cao “ngất ngưởng” người đầu tư nhận thấy nếu tiếp tục mua để kinh doanh thì lợi nhuận thấp hoặc cảm nhận được sự “rủi ro” nếu sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư, các giao dịch trở nên chậm hơn và thị trường đã chứng kiến sự “chững lại” của phân khúc đất nền.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ xảy ra sự việc này là do quỹ đất của Đà Nẵng không còn để mở rộng, nguồn cung hạn chế, hầu hết các giao dịch chỉ là mua đi bán lại nên đã xảy ra tình trạng bị “ảo giá”.
Thị trường vẫn tăng trưởng
Theo số liệu của Savills Việt Nam, trong đầu năm 2018 thị trường BĐS Đà Nẵng nói chung vẫn đạt nhiều tín hiệu tăng trưởng khả quan. Trong đó, tại phân khúc bán lẻ giá thuê đạt kỷ lục trong 3 năm, tổng nguồn cung ổn định so với nửa đầu của năm 2017, với 186.000m2, là phân khúc có hoạt động ổn định nhất.
Dự báo trong năm 2018 này, phân khúc bán lẻ sẽ cho ra thị trường khoảng 22.300m2 sàn cho thuê và sẽ có thêm 8.200m2 được lên kế hoạch cho năm 2019. Quận Hải Châu được kỳ vọng tiếp tục là khu vực thu hút nhiều sự quan tâm từ các chủ đầu tư nhất, tiếp theo sau là quận Thanh Khê.
Các dự án đất nền đang chững lại.
|
Năm 2018, Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Vì vậy, nguồn cung của phân khúc BĐS khách sạn, nghỉ dưỡng cũng tăng trưởng theo, nguồn cung thị trường gồm 101 khách sạn 3 đến 5 sao với khoảng 11.800 phòng. Công suất trung bình đạt 73%, tăng 8 điểm % theo năm.
Riêng phân khúc khách sạn 5 sao hoạt động tốt kỷ lục, giá cho thuê trung bình giảm -2% theo năm. Doanh thu phòng trung bình tăng 11% theo năm. Dự kiến trong năm 2018, sẽ có hơn 2.300 phòng khách sạn thuộc phân khúc 4 và 5 sao sẽ gia nhập thị trường.
Đối với căn hộ khách sạn, tổng nguồn cung đạt khoảng 5.210 căn từ 14 dự án. Giá bán sơ cấp trung bình đạt 1.890 USD/m2, dự kiến trong năm 2018, 11 dự án mới sẽ cung cấp 8.320 căn ra thị trường. Đối với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ bán tăng trưởng chậm hơn.
Như vậy, có thể khẳng định rằng thị trường BĐS Đà Nẵng không hề bị “chững lại” như những gì người dân đang lo ngại trong thời gian gần đây. Ông Nguyễn Văn Đính cũng khẳng định “bong bóng” BĐS của Đà Nẵng hoàn toàn có thể bị vỡ, nhưng vỡ cục bộ ở một số phân khúc chứ không phải toàn thị trường.